9 điều khiến cuộc sống của bạn cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày

Hạnh phúc được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là cảm giác bình yên, bạn bè luôn bên cạnh giúp đỡ và tin tưởng vô điều kiện. Hay là khi bạn được tự do theo đuổi ước mơ riêng. Dù định nghĩa theo cách nào đi chăng nữa thì việc bắt đầu từ những thói quen hằng ngày vẫn có thể giúp bạn theo đuổi hạnh phúc.  

Dưới đây là 9 thói quen hằng ngày mà tư vấn trị liệu khuyên bạn nên thực hiện để trở nên hạnh phúc hơn. Điều quan trọng là quan niệm về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Thế nên, nếu một hoặc một vài thói quen không phù hợp với lối sống của bạn, đừng ngần ngại bỏ qua. Chỉ cần dành một chút thời gian và quyết tâm thực hiện, chắc chắn bạn sẽ tìm ra được đâu là thói quen giúp bạn đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.

1. Mỉm cười vui vẻ nhiều hơn

Những nụ cười khi vui vẻ, hạnh phúc sẽ khiến não giải phóng dopamine – một chất giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn luôn phải xuất hiện với nụ cười giả tạo trên gương mặt mọi lúc mọi nơi. Quan trọng là nếu lần tới khi bạn cảm thấy tâm trạng tụt dốc, hãy nở một nụ cười thật tươi và xem điều gì sẽ xảy ra nhé!

Bắt đầu bằng cách mỉm cười với chính mình trong gương vào mỗi buổi sáng sẽ khiến bạn tràn đầy năng lượng và cảm thấy yêu đời hơn.

2. Tập thể dục đều đặn

Thói quen tập thể dục thường xuyên không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn làm giảm căng thẳng, lo lắng và các triệu chứng trầm trọng khác. Không những thế, các động tác thể dục còn thúc đẩy sự tự tin và hạnh phúc.

Dù chỉ vận động trong một vài phút cũng có thể tạo nên sự khác biệt cho cơ thể của bạn. Do đó, bạn chẳng cần phải tập những gì quá khó khăn như tập tạ hay leo núi. Căn bản là bạn không cần luyện tập quá sức vì nếu buộc mình vào một thói quen mệt mỏi, bạn sẽ chỉ cảm thấy chán nản và thất vọng hơn thôi.

Bạn có thể thử bắt đầu bằng một vài hoạt động đơn giản dưới đây:

  • Đi dạo quanh khu nhà sau mỗi bữa tối
  • Đăng ký lớp học yoga hoặc thái cực quyền cho người mới bắt đầu
  • Bắt đầu ngày mới với 5 phút kéo duỗi cơ thể tại chỗ

Bạn có thể thử những hoạt động mà bạn từng thích nhưng rồi lại bỏ qua, chẳng hạn như chơi golf, bowling, khiêu vũ…

3. Chăm sóc giấc ngủ

Dù cuộc sống có bận rộn đến mức nào thì bạn cũng luôn phải ngủ đủ giấc vì nó rất quan trọng đối với sức khỏe, chức năng não bộ và tâm trạng. Hầu hết người lớn cần ngủ khoảng 7 – 8 giờ mỗi đêm. Nếu cảm thấy tinh thần thiếu tỉnh táo, rất có thể bạn cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn bằng một giấc ngủ trưa ngắn đấy!

Một vài mẹo dưới đây sẽ giúp bạn có thói quen ngủ tốt hơn:

  • Đầu tư một bộ giường gối chất lượng
  • Giữ cho phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh
  • Giới hạn giờ ngủ trưa trong khoảng 20 phút
  • Dành 1 giờ yên tĩnh trước khi đi ngủ và tránh ăn quá nhiều
  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần
  • Ghi lại số giờ ngủ mỗi đêm và cảm giác khi thức dậy để điều chỉnh cho phù hợp hơn

Nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy đến gặp bác sĩ vì có thể bạn đang bị rối loạn giấc ngủ và cần điều trị sớm.

4. Chọn lọc thực phẩm lành mạnh

Việc lựa chọn thực phẩm không chỉ thực sự tác động đến sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và tinh thần của bạn.

• Carbohydrate giải phóng hormone serotonin giúp bạn suy nghĩ tích cực và cảm thấy tâm trạng tốt hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn ở mức vừa đủ, vì nếu tiêu thụ quá nhiều carbohydrate trong thời gian ngắn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Một số thực phẩm bạn nên bổ sung hằng ngày như rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

• Thịt nạc, gia cầm, các loại đậu và sữa có chứa nhiều protein. Các thực phẩm này sẽ giải phóng hormone dopamine và norepinephrine, giúp tăng cường năng lượng và khả năng tập trung.

• Một vài thực phẩm chế biến sẵn hoặc nhiều dầu mỡ sẽ làm bạn mệt mỏi hơn và từ đó dễ bỏ bữa. Do đó, bạn nên hạn chế các thực phẩm trong nhóm này.

5. Học cách biết ơn

Hạnh phúc có đôi khi đến từ những điều đơn giản nhất. Chẳng hạn như lòng biết ơn có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng thái độ biết ơn sẽ tác động đáng kể đến cảm xúc hạnh phúc của bạn.

Vì thế, bạn có thể bắt đầu mỗi ngày bằng cách biết ơn một điều gì đó. Khi đi làm về sau một ngày dài, hãy nghĩ đến những điều dễ chịu, thoải mái trong cuộc sống. Đó có thể là khi bạn nhận được mã khuyến mãi ăn uống, được đồng nghiệp mời cà phê hay hàng xóm vẫy tay chào bạn. Thậm chí việc cảm nhận nắng ánh mặt trời chiếu vào làn da cũng là một hành động thể hiện thái độ biết ơn.

Chỉ cần một chút thời gian tĩnh tâm và cảm nhận, bạn có thể nhận thức rõ hơn về tất cả những điều tích cực xung quanh mình.

6. Hít thở sâu để thư giãn

Mỗi khi căng thẳng, đôi vai sẽ căng cứng và bạn cảm thấy rất nặng nề, khó chịu. Khi ấy, bạn hãy hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các bài tập hít thở sâu để giảm căng thẳng. Hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Nhắm mắt lại và nghĩ đến một địa điểm đẹp mà bạn muốn đến
  • Hít một hơi chậm và sâu bằng mũi
  • Từ từ thở ra bằng miệng hoặc mũi

Khi gặp phải những tình huống khó khăn khiến bản thân cảm thấy không thoải mái, hãy lặp lại kỹ thuật hít thở sâu nhiều lần đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh trở lại.

7. Chấp nhận những lúc không vui

Bạn hãy nhớ rằng những điều tồi tệ cũng là một phần của cuộc sống và ai rồi cũng sẽ trải qua. Nếu bạn bỗng dưng nhận một tin xấu, phạm phải một sai lầm nào đó hoặc trở thành trò đùa của người khác, đừng cố ép buộc bản thân vẫn phải tỏ ra vui vẻ.

Hãy chấp nhận cảm giác tiêu cực và để mình cảm nhận những cảm xúc tiêu cực tự nhiên. Sau đó, bạn hãy tập trung nghĩ đến những gì khiến mình cảm thấy tốt hơn hoặc cần để phục hồi, chẳng hạn như hít thở sâu, đi bộ ngoài trời hoặc tâm sự với ai đó. Hãy cảm nhận từng khoảnh khắc trôi qua và chăm sóc tốt bản thân.

8. Viết nhật ký giải tỏa cảm xúc

Nhật ký là cách tuyệt vời để sắp xếp lại suy nghĩ, nhìn nhận cảm xúc của bạn và lập kế hoạch cho tương lai. Bạn không cần phải là một thiên tài văn học hay một cây viết siêu hạng mới thấy hạnh phúc bằng cách viết nhật ký. Bạn chỉ cần viết lại một vài suy nghĩ về những gì xảy ra trong ngày, cả những điều khiến bạn vui và không vui.

Nếu trong lúc viết nhật ký, bạn đột nhiên có vài suy nghĩ khiến bản thân lo lắng thì không cần quá để tâm, hãy tiếp tục với những gì đang tuôn trào trong suy nghĩ của bạn.  

9. Đối mặt với căng thẳng

Cuộc sống luôn đầy những yếu tố gây căng thẳng và không có cách gì tốt hơn ngoại trừ việc đối mặt. Có nghiên cứu cho rằng stress không phải lúc nào cũng có hại cho cơ thể, thậm chí trong một số trường hợp, stress còn có thể trở thành động lực khiến bạn làm việc hiệu quả hơn.

Những lúc bạn thấy mình quá áp lực khi đối diện với căng thẳng, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng căng thẳng xảy ra với mọi người và không có lý do gì để quan trọng hóa điều này. Khi ấy, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều đấy. Thay vì tự khiến bản thân cảm thấy choáng ngợp và mệt mỏi, hãy cố gắng chủ động giải quyết vấn đề của mình càng sớm càng tốt.

Với 9 gợi ý trên đây, chắc hẳn bạn cũng đã tìm được cho mình thói quen thích hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống và hạnh phúc hơn mỗi ngày rồi phải không? Thế nhưng, đừng quên yếu tố không kém phần quan trọng, đó là sự quyết tâm và cố gắng của bản thân nhé!