Tâm lý khủng hoảng ở vợ chồng son. Làm sao để xử lý.

Nhiều cặp vợ chồng ly hôn sau khoảng 2-3 năm kết hôn, trong khi những cặp đôi khác lại sống với nhau rất hạnh phúc trong nhiều năm. Điều đó không chỉ đơn thuần là sự may mắn mà còn phụ thuộc vào một điều đơn giản mà các cặp vợ chồng hạnh phúc đều thấu hiểu: Khi cùng nhau xử lý, bạn sẽ đủ sức đối mặt và giải quyết mọi vấn đề trong đời sống hôn nhân.

Và đây là 10 vấn đề tư vấn trị liệu tổng hợp để đưa ra khi các cặp vợ chồng son sống chung dưới một mái nhà:

1. Tăng cân

Hầu hết những người vừa lập gia đình đều tăng cân đáng kể sau khi kết hôn. Theo nghiên cứu, các cặp vợ chồng son tăng trung bình từ 5-7kg trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân. Nhìn chung, những người đã kết hôn thường có trọng lượng nặng hơn người độc thân khoảng 5kg.

Đây là điều bình thường bởi trong thời gian đầu mới kết hôn, các cặp đôi đều có tâm lý rất thoải mái và tự tin vào đối tác của nhau. Từ đó, cơ thể thường xuyên ở trong trạng thái thư giãn để tăng cân.

Cách xử lý

Trong giai đoạn này, các cặp đôi hạnh phúc thường có xu hướng lên kế hoạch giảm cân cùng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để cả hai cùng nhau thực hiện các chế độ giảm cân và thiết lập lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đàn ông thường có khả năng giảm cân nhanh hơn phụ nữ. Để nhanh chóng lấy lại vóc dáng và đạt được cân nặng lý tưởng, bạn hãy rủ chồng/vợ mình cùng nhau đi xe đạp, leo núi hoặc đi bộ vào mỗi buổi tối.

2. Sinh con và khủng hoảng tài chính

 

Sự xuất hiện của những đứa con sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tài chính trong gia đình trẻ. Kết quả từ những cuộc khảo sát gần đây cho thấy hầu hết những đôi vợ chồng son đều chưa sẵn sàng có con và chưa thể độc lập về tài chính để chu toàn cho một đứa trẻ. Đó là lý do vì sao những gia đình trung lưu và thu nhập thấp đều phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính.

Cách xử lý

Bắt đầu tiết kiệm tiền từ trước khi lên kế hoạch sinh đứa con đầu tiên và tuyệt đối không chi tiêu cho những thứ không cần thiết. Ví dụ, bạn sẽ tiết kiệm được một khoảng chi phí khi mua các dụng cụ cũ như xe đẩy, cũi, xe tập đi cho bé thay vì sắm mới hoàn toàn những thứ mà bé chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn.

3. Mâu thuẫn với mẹ chồng

 

Mối quan hệ giữa con dâu và mẹ chồng hay con rể và mẹ vợ là đề tài muôn thuở trong bất kỳ cuộc sống hôn nhân nào. Các nhà tâm lý học cho rằng những mẫu thuẫn xảy ra trong các mối quan hệ ấy có thể khá kịch tính và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, tâm lý của cả hai bên.

Sự căng thẳng đặc biệt mạnh mẽ trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Một cuộc nghiên cứu tâm lý tổ chức vào năm 2017 cho rằng có 2/3 các bà mẹ chồng không hài lòng với vợ của con trai họ, trong khi con dâu cũng có thái độ tiêu cực với mẹ chồng. Các nhà khoa học ở Nhật Bản cũng phát hiện ra rằng những phụ nữ sống chung với mẹ chồng có nhiều khả năng mắc bệnh thiếu máu cơ tim hơn những người phụ nữ sống độc lập.

Cách xử lý

Cách tốt nhất là tránh mọi mâu thuẫn xảy ra khi sống chung với mẹ chồng bằng cách sống riêng. Có lẽ trong thời gian đầu, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn về tài chính nhưng nó rất đáng giá cho sự tự chủ của bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn không có cơ hội sống riêng, hãy sử dụng các kỹ năng ngoại giao của mình để giải thích cho chồng hiểu bạn buồn thế nào trong các cuộc tranh luận với mẹ của anh ấy.

4. Khác biệt về cách chi tiêu

 

Theo thống kê, một trong những lý do đầu tiên của các cuộc mâu thuẫn vợ chồng và ly hôn là sự xung đột về tiền bạc. Sau hôn nhân, tài chính cá nhân của bạn phải gắn kết và có phần căng thẳng khi người này kiếm được nhiều tiền hơn người kia. Một thiếu sót lớn của hầu hết các cặp vợ chồng son là họ thường có xu hướng tránh nói về tài chính trước khi kết hôn.

Cách xử lý

Các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên thảo luận về các vấn đề tài chính một cách cởi mở, không có bất kỳ sự ngại ngùng nào. Bạn cần ưu tiên giải quyết rõ ràng việc gia đình bạn sẽ tiết kiệm tiền hay đầu tư; bạn có kế hoạch mua sắm hay nghỉ dưỡng như thế nào để cả hai đưa ra lựa chọn cuối cùng. Khi cùng nhau trả lời những câu hỏi như vậy, bạn sẽ xác định được chiến lược chi tiêu của cả nhà và kiểm soát chúng rất dễ dàng.

5. Khó chịu với những thói quen của vợ/chồng

 

Sau vài tháng sống cùng nhau, một vài thói quen của đối tác bắt đầu bộc lộ và làm người còn lại thấy khó chịu. Các nhà tâm lý học cho rằng đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong đời sống của vợ chồng son nhưng không có nghĩa là tình yêu của bạn sẽ kết thúc chỉ vì những vấn đề này.

Điều đáng nói là không có một tiêu chuẩn nào để xếp hạng hay phân loại những thói quen gây khó chịu cho đối tác. Thậm chí, có những thói quen bạn xem là tốt như đam mê thể thao, đọc sách hay nhiệt tình với bạn bè nhưng vợ/chồng của bạn lại cảm thấy phiền toái với những điều ấy.

Cách xử lý

Chấp nhận là điều bạn nên làm! Hãy nhắc nhở bản thân rằng nếu từ bỏ những thói quen ấy thì vợ/chồng mình không còn là một người độc đáo, thú vị nữa. Sau tất cả, bạn đã yêu người này một phần vì những thói quen đó. Thay vì tỏ ra khó chịu vơi với những điều nhỏ nhặt, bạn hãy dành thời gian cho bản thân, công việc và bạn bè của mình. Chồng/vợ bạn sẽ rất cảm kích vì điều ấy.

6. Lãng quên những ngày kỷ niệm quan trọng

Nguồn: Brightside

Khi người ấy lãng quên một ngày kỷ niệm nào đó, có thể bạn sẽ cảm thấy rất buồn. Thậm chí, coi đó là một sự xúc phạm cá nhân. Bạn sẽ không tìm được câu trả lời vì sao anh ấy/cô ấy lại quên đi ngày cưới của 2 người hoặc quên mất ngày sinh nhật của bạn hay ngày của nụ hôn đầu tiên. Nhưng hóa ra ngay cả những người hoàn hảo cũng quên đi một số điều quan trọng trong cuộc đời họ.

Nguyên nhân có thể là do công việc quá tải hoặc sự đãng trí tự nhiên. Nó cũng có thể là vì những ngày được bạn xem là quan trọng ấy không có ý nghĩa với bạn đời của bạn, bởi vì điều quan trọng nhất trong cuộc sống của họ là mối quan hệ nghiêm túc, lâu dài với bạn mà không cần phải ghi trên tấm lịch.

Cách xử lý

Nhắc nhở vợ/chồng về sự kiện hoặc ngày kỷ niệm quan trọng của gia đình. Nó sẽ không làm bạn thất vọng và người ấy của bạn sẽ không cảm thấy xấu hổ vì sự đãng trí của họ. Thật đơn giản phải không nào?

7. Bạn cảm thấy nhàm chán

 

Năm đầu tiên của hôn nhân không phải lúc nào cũng đầy mê hoặc như tuần trăng mật. Sớm hay muộn, bất chấp sự kỳ vọng của bạn là gì, những cánh hoa, những buổi tối lãng mạn và những lời nói tán tỉnh nhau sẽ bắt đầu thưa dần. Bạn sẽ sống cùng với bạn đời bằng một chương trình nhàm chán.

Sự thất vọng này có thể được giải thích bằng sự kỳ vọng quá mức của bản thân bạn cũng như việc thiếu kinh nghiệm trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, hầu hết các cặp vợ chồng đều quản lý tốt những thay đổi về điều này trong mối quan hệ của họ.

Cách xử lý

Hãy nhớ rằng mối ưu tiên của những người đã kết hôn khác với người đang yêu hay mới yêu. Giờ bạn đã có một gia đình chung với nhiều trách nhiệm và con cái. Vì thế, vợ chồng son cần thảo luận về việc chúng ta nên ưu tiên cho những buổi hẹn hò lãng mạn hay những sự kiện cần thiết khác.

Các nhà tâm lý học cho rằng không có gì là bất thường. Cuộc sống gia đình chỉ cần tập trung vào một lịch trình nhất định và mỗi cặp vợ chồng đều phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình để xây dựng hạnh phúc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng hãy lên kế hoạch đi hẹn họ, gặp gỡ nhau trong những không gian lãng mạn để “tiếp lửa” cho đời sống hôn nhân.

8. Bạn ở cùng nhau 24/7 và điều đó trở nên phiền toái

 

Có nhiều ý kiến cho rằng vợ chồng nên dành tất cả thời gian rảnh rỗi cùng nhau vì nó sẽ giúp bạn củng cố mối quan hệ và góp phần hình thành những lợi ích chung. Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng bị “nhàm chán” với cuộc sống này sau một vài năm kết hôn.

Cách xử lý

Cả hai người rất nên có những sở thích và đam mê riêng để người kia cảm thấy đối tác của mình thật thú vị. Tất nhiên, những sở thích đó không nên mang tính phá hoại hoặc làm phiền đến sự riêng tư của anh ấy/cô ấy.

9. Những người bạn xấu

Nguồn: Brightside

Những người mới cưới không chỉ có được những người thân mới mà còn có thêm nhiều người bạn mới. Điều đáng buồn là những người bạn cũ của bạn lại chưa thực sự làm quen được với điều ấy. Khi họ cảm thấy bạn dành quá nhiều thời gian cho những mối quan hệ mới, họ bắt đầu muốn “níu kéo” bạn ở lại những cuộc vui. Dù điều này không hoàn toàn là xấu nhưng nó lại gây ra những cảm xúc tiêu cực và cái nhìn không thiện cảm của vợ/chồng bạn dành cho những người bạn ấy.

Cách xử lý

Hãy để cho nửa còn lại của bạn có một người bạn tốt ngoài bạn. Thật khó có thể chấp nhận suy nghĩ này nhưng nó thật sự khiến đối tác của bạn cảm thấy “dễ thở” và thú vị. Có một sự thật rằng, bạn bè là yếu tố quan trọng để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Đó không chỉ là những người bạn chung của hai người mà còn là những người bạn riêng.

10. Sự khác biệt trong chế độ ngủ

Vào những năm 1970, các nhà khoa học đã có nhiều tìm hiểu về nhịp sinh học và nhận thấy rằng những người được xem là “cá mập” thường thức dậy vào sáng sớm và cảm thấy tràn đầy năng lượng. Bên cạnh đó, nhóm người “cú đêm” hoạt động nhiều hơn vào buổi tối.

Bạn hãy tưởng tượng xem, điều gì sẽ xảy ra nếu đại diện của hai nhóm người này gắn kết với nhau và sống chung trong một gia đình? Sự kết hợp này có thể gây ra nhiều bất tiện và thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả 2 vợ chồng son.

Cách xử lý

Nhịp điệu sinh học khác nhau sẽ làm cuộc sống hôn nhân của vợ chồng son có những xáo trộn nhất định. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không có cách giải quyết nào thỏa đáng cho vấn đề này. Miễn là cả hai bên có thiện chí thỏa hiệp, bạn sẽ sớm biết cách xử lý. Ví dụ, trong khi vợ/chồng bạn đang ngủ, bạn hãy làm những việc khác có ích cho hạnh phúc lứa đôi như chăm sóc cây cảnh, nấu một bữa ăn ngon, đọc thêm một cuốn sách hay thử bí mật chuẩn bị một món quà cho dịp đặc biệt.

Bạn thấy đấy, hai cá thể khác nhau với những thói quen, quan niệm, môi trường, điều kiện sống khác nhau về sống chung dưới một mái nhà sẽ gặp rất nhiều vấn đề lớn, nhỏ. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng son hãy bình tĩnh đối mặt và cùng nhau giải quyết để vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau đắp xây hạnh phúc.