Nguyên nhân tâm lý dẫn đến sự khó khăn về tài chính.

Sự khó khăn về tài chính giống như con “virus nghèo nàn” . Bạn sẽ có nguy cơ bị tấn công dồn dập và dẫn tới nhũng biến chứng tâm lý đáng sợ. Làm sao để ngăn ngừa loại virus khiến ví bạn lúc nào cũng rỗng?

“Virus nghèo nàn” khiến bạn tiêu xài vô độ vào những thứ không thật sự hữu dụng, suy nghĩ tiêu cực về tiền, chán nản việc kiếm tiền… Cùng tư vấn trị liệu nhận biết và giải quyết con virus này để tài chính của bạn luôn dồi dào nhé.

1. Bạn có tuổi thơ khó khăn

Có thể khi còn nhỏ, bạn đã từng nghe bố mẹ nói những điều như: “Bố mẹ không đủ tiền mua món hàng đó”, “Con phải cố gắng giữ việc để kiếm tiền” hoặc “Bố mẹ không phải cái máy in tiền”. Tất cả điều này có thể dần biến thành “virus nghèo nàn” và gây nhiễm bạn một cách vô thức. Bạn sẽ dễ cảm thấy tiêu cực về tiền bạc khi lớn lên và nghĩ mình không may mắn về vấn đề tài chính.

Những khó khăn và thiếu thốn trong thời thơ ấu cũng có thể khiến bạn căng thẳng và trầm cảm khi trưởng thành. Những công việc đơn giản nhất dường như cũng trở nên khó khăn hơn và khiến bạn nản lòng, không muốn phấn đấu làm giàu.

2. Lo lắng về ý kiến của người khác

Có những khi bạn chi tiêu hơi xa xỉ không vì bản thân muốn mà vì sợ bị người khác đánh giá. Bạn có thể mượn tiền tổ tiệc cưới, dành 2 – 3 tháng lương chỉ để mua váy cưới mặc 1 lần hoặc lên danh sách mời rất nhiều khách. Tất cả những điều này chỉ để gây ấn tượng chứ không phải sở thích hay mong muốn của chính bạn.

Nếu bạn có đủ khả năng tài chính thì việc tổ chức một đám cưới long trọng theo ý mình không hề sai trái. Tuy nhiên, nếu bạn dành tất cả tiền tiết kiệm hay thậm chí mượn nợ để tổ chức đám cưới vừa ý người khác thì điều này cho thấy bạn đang có dấu hiệu nhiễm “virus nghèo nàn”.

3. Bạn đặt sai thứ tự ưu tiên

Các nhà kinh tế học nghiên cứu về sự nghèo khó đã tin rằng khi những ai đang gặp khủng hoảng tài chính lại càng cố dùng tiền để che giấu khó khăn. Khi gặp khó khăn tài chính, bạn cố gắng tạo ra một ấn tượng đẹp bằng cách mượn tiền đi du lịch, mua quần áo sang trọng hay sẵn sàng ăn đạm bạc hằng ngày để dành tiền ăn nhà hàng với bạn bè một bữa…

Bạn ưu tiên chi tiền để xây dựng hình ảnh giàu có trong mắt người khác thay vì trang trải cho những nhu cầu cần thiết như nhà ở, học tập hay nuôi con cái. Đây là một sai lầm quản lý tiền bạc mà không ít người mắc phải đấy.

4. Mua sắm khi bị stress

Những người có tình hình tài chính khó khăn thường stress cực độ nên dẫn đến hormone căng thẳng cortisol cũng tăng dần theo thời gian. Tình trạng này ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung và lối tư duy.

Không những thế, bạn sẽ thiếu tỉnh táo và quyết định mua sắm những thứ không cần thiết. Điều này cũng là “virus nghèo nàn” khiến tình hình kinh tế của bạn trở nên khó khăn hơn đấy.

5. Ráng làm việc chăm chỉ

Nhiều người cố gắng thoát khỏi cảm giác nghèo nàn bằng cách làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, họ lại không cho phép mình thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Họ thường cảm thấy mình không thể thay đổi tình hình nên chỉ biết làm việc chứ không có mục tiêu hay ước mơ làm tương lai tươi sáng hơn.

6. Bạn ngại thử thách mới

Bạn có cảm thấy dù mình thay đổi nghề nghiệp hoặc làm việc chăm chỉ hơn, nhưng tiền lương thì luôn “dậm chân tại chỗ” chứ không thật sự bứt phá? Bạn có thể không quá hài lòng với mức lương này nhưng lại ngại tìm những cách để tăng lương như học lên cao, mở rộng quan hệ hay đơn giản là làm thêm việc. Đây cũng là một dấu hiệu của “virus nghèo nàn” khiến bạn mất cơ hội thăng tiến và cải thiện tài chính của mình đấy.

Bạn sẽ khó tiết kiệm tiền để cải thiện chất lượng cuộc sống nếu liên tục mua sắm theo cảm xúc, tiêu tiền không hợp lý hay ngại kiếm tiền. Để giải quyết những dấu hiệu “virus nghèo nàn” này, bạn hãy học cách kiểm soát chi tiêu của mình và tập trung phát triển bản thân. Khi bạn đã có tri thức và khả năng quản lý tiền bạc, tình hình tài chính sẽ cải thiện hơn.